Bối cảnh We choose to go to the Moon

Khi John F. Kennedy trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 1961, rất nhiều người Mỹ nhận thấy rằng họ đang hụt hơi trong cuộc chạy đua vào không gian với Liên Xô khi nước này đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên, Sputnik 1, lên quỹ đạo Trái Đất gần bốn năm trước đó. Sự nhận thức càng tăng lên khi nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày 12 tháng 4 năm 1961, trước cả khi Hoa Kỳ có thể phóng phi hành gia thuộc dự án Mercury.[1] Uy tín của nước Mỹ tiếp tục bị tổn hại bởi thất bại ở vịnh Con Heo năm ngày sau đó.[2][3]

Bị thuyết phục bởi nhu cầu chính trị về một thành tựu có thể chứng minh rõ ràng ưu thế vượt trội về không gian của nước Mỹ, Kennedy đã yêu cầu phó tổng thống của mình là Lyndon B. Johnson, với tư cách là chủ tịch Hội đồng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia, xác định một thành tựu như vậy. Ông đặc biệt yêu cầu Johnson điều tra xem liệu Hoa Kỳ có thể đánh bại Liên Xô trong việc đưa một phòng thí nghiệm vào không gian, hay cho người bay quanh Mặt Trăng, thậm chí là đưa con người đổ bộ lên thiên thể này hay không, và tìm hiểu xem một dự án như vậy sẽ tốn bao nhiêu chi phí. Johnson đã tham khảo ý kiến ​​​​của các quan chức thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA). Trưởng quản lý mới của cơ quan là James E. Webb nói với ông rằng, họ không có cơ hội đánh bại người Nga trong việc phóng trạm vũ trụ, và ông không chắc được liệu NASA có thể đưa con người bay vòng quanh Mặt Trăng trước tiên hay không, vì vậy lựa chọn tốt nhất là cố gắng hạ cánh con người xuống đó. Đây cũng đồng thời là phương án tốn kém nhất; Webb tin rằng thành tựu này cần khoảng 22 tỷ đô la Mỹ (tương đương 139 tỷ đô la Mỹ năm 2021) để có thể đạt được trước năm 1970. Johnson cũng tham khảo ý kiến của Wernher von Braun; các nhà lãnh đạo quân sự bao gồm Trung tướng Bernard Schriever; và ba giám đốc kinh doanh: Frank Stanton từ CBS, Donald C. Cook từ American Electric Power, và George R. Brown từ Brown & Root.[4]

Kennedy đã đứng trước Quốc hội Mỹ vào ngày 25 tháng 5 năm 1961 và đề xuất rằng Hoa Kỳ "nên cam kết đạt được mục tiêu là trước khi thập kỷ này kết thúc, phải đưa được con người lên Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn."[5][6] Không phải tất cả mọi người đều bị ấn tượng; một cuộc thăm dò của Gallup cho thấy có đến 58% người Mỹ đã phản đối đề xuất này.[4]

Mục tiêu của Kennedy đã đưa ra một hướng đi cụ thể cho chương trình Apollo, vốn yêu cầu sự mở rộng từ nhóm kỹ sư Space Task Group của NASA thành Trung tâm Tàu vũ trụ có người lái. Houston, Texas được chọn làm địa điểm cho trung tâm mới và được công ty Humble Oil and Refining hiến đất vào năm 1961 thông qua trung gian là Đại học Rice.[7] Kennedy đã có chuyến thăm hai ngày vào tháng 9 năm 1962 tới cơ sở mới. Ông được hộ tống bởi các phi hành gia Scott CarpenterJohn Glenn của nhóm Mercury Seven, đồng thời được chiêm ngưỡng các mô hình của tàu vũ trụ GeminiApollo. Kennedy cũng đã tham quan Friendship 7, tàu vũ trụ Mercury mà Glenn đã sử dụng để thực hiện chuyến bay vào quỹ đạo đầu tiên của nước Mỹ. Ông tận dụng cơ hội này để có bài phát biểu nhằm kêu gọi ủng hộ nỗ lực không gian của quốc gia.[8][9] Bản thảo ban đầu của bài phát biểu được viết bởi Ted Sorensen, với một số những chỉnh sửa từ Kennedy.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: We choose to go to the Moon https://www.nasa.gov/vision/space/features/jfk_spe... https://history.nasa.gov/moondec.html https://web.archive.org/web/20190106104345/https:/... https://web.archive.org/web/20180315230845/https:/... https://web.archive.org/web/20211026110739/https:/... https://jfk.blogs.archives.gov/2017/09/12/we-choos... http://news.rice.edu/2012/08/30/jfks-1962-moon-spe... https://er.jsc.nasa.gov/seh/ricetalk.htm https://www.statesman.com/story/news/2016/10/12/no... https://www.espn.com/college-football/story/_/id/2...